MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tổng hợp những tác dụng của gạo lứt đối với sức khỏe của bé

tac-dung-cua-gao-lut-1

Gạo lứt là một trong những loại hạt nguyên cám giữ được phần mầm gạo nên mang trọn vẹn dinh dưỡng tự nhiên và không chứa những chất gây dị ứng cho bé. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định thêm loại gạo này vào chế độ ăn của bé thì bạn nên hiểu rõ về một số tác dụng của gạo lứt đối với sức khỏe của bé.

Gạo lứt có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé. Vì vậy, việc bổ sung gạo lứt vào bữa ăn có thể giúp cơ thể bé khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh thông thường. Sau đây Hello Bacsi sẽ chia sẻ những thông tin thú vị về gạo lứt đối với trẻ nhỏ.

Gạo lứt khác với gạo trắng như thế nào?

Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi này? Thật ra, câu trả lời rất đơn giản, chúng khác nhau ở quy trình chế biến và giá trị dinh dưỡng. Gạo trắng là loại gạo đã được loại bỏ lớp cám và mầm bệnh trong khi gạo lứt thì không. Trong quá trình loại bỏ, một số vitamin, khoáng chất, axit béo và chất xơ cũng bị mất đi.

Gạo lứt có tốt cho bé không?

Gạo lứt vốn được biết đến là có nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc bạn cho bé ăn gạo lứt trong thời gian ăn giặm cũng rất tốt vì gạo lứt ít gây dị ứng.

Khi nào bạn nên thêm gạo lứt vào chế độ ăn của bé?

Gạo lứt được chuẩn bị ở nhà là lựa chọn an toàn cho bé. Phần lớn các chuyên gia đều khuyên bạn chỉ nên cho bé ăn thực phẩm rắn sau khi bé 6 tháng tuổi. Do đó, bạn thể thêm gạo lứt vào chế độ của bé sau khi bé 6 tháng tuổi.

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt

Thành phần dinh dưỡng có trong 100g gạo lứt đã nấu chín:

  • Vitamin B1: 0,401mg
  • Vitamin B2: 0,093mg
  • Vitamin B3: 5,091mg
  • Vitamin B5: 1,493mg
  • Vitamin B6: 0,509mg
  • Vitamin B9: 20mcg
  • Tinh bột: 77,24g
  • Đường: 0,85g
  • Chất xơ: 3,5g
  • Chất béo: 2,92g
  • Protein: 7,94g
  • Nước: 10,37g
  • Canxi: 23mg
  • Sắt: 1,47mg
  • Mangan: 3,743mg
  • Magiê: 143mg
  • Phốt pho: 333mg
  • Natri: 7mg
  • Kali: 223mg
  • Kẽm: 2,02mg.

Tác dụng của gạo lứt đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe của gạo lứt:

  1. Gạo lứt có chứa các axit béo cần thiết cho sự phát triển của bé.
  2. Với lượng chất xơ dồi dào, món ăn này có thể giúp trẻ hạn chế bị táo bón.
  3. Gạo lứt rất giàu vitamin B. Đây là loại vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, bao gồm phát triển thể chất và phát triển trí não.
  4. Các protein có trong gạo lứt rất tốt đối với phát triển cơ. Ngoài ra, các axit amin cũng tốt cho việc phát triển khớp và dây chằng.
  5. Gạo lứt rất giàu năng lượng, có thể giúp bé vui chơi cả ngày mà không thấy mệt mỏi.
  6. Gạo lứt rất dễ tiêu hóa. Điều này rất tốt cho trẻ sơ sinh vì hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Vì vậy, thức ăn dễ tiêu hóa sẽ tốt cho bé.

tác dụng của gạo lứt

Lựa chọn và bảo quản gạo lứt

Dưới đây là một vài lời khuyên về cách lựa chọn và bảo quản gạo lứt:

1. Gạo lứt chưa nấu

Bạn không nên mua gạo lứt đựng trong thùng tại những cửa hàng tạp hóa vì bạn không biết được rằng người bán đã để bao lâu. Tốt nhất, bạn nên mua những túi gạo nhỏ vừa đủ ăn, không nên mua những túi gạo lớn, nếu bảo quản không tốt, gạo sẽ nhanh bị hỏng. Ngoài ra, khi mua những túi gạo lứt, bạn hãy kiểm tra hạn sử dụng.

Sau khi mua về, bạn đổ gạo vào trong hũ có nắp đậy vì gạo lứt có dầu xung quanh nên dễ bị hỏng khi tiếp xúc với không khí. Điều kiện bảo quản gạo lý tưởng là ở nơi mát mẻ, tối và trong hũ kín. Nếu để trong tủ đông, bạn có thể bảo quản gạo trong 2 năm. Còn để trong ngăn mát có thể để 12 – 16 tháng.

2. Sau khi nấu chín

Sau khi nấu chín, nếu để cơm gạo lứt bên ngoài, vi khuẩn có thể phát triển rất nhanh. Do đó, bạn nên cất vào tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn chỉ nên bảo quản tối đa 4 ngày. Tốt nhất, bạn chỉ nên nấu vừa đủ, nếu không dùng hết thì nên bỏ để tránh ôi thiu. Để bảo quản gạo lứt đã nấu chín, bạn có thể làm nguội nhanh và cho vào tủ đông ngay. Các gói gạo lứt đông lạnh có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 6 tháng.

Một số nguy cơ mà bé có thể gặp phải khi ăn gạo lứt

1. Nhiễm asen

Gạo lứt có thể chứa asen, một chất gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn mua gạo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không cần quá lo.

2. Dị ứng

Mặc dù gạo là một trong những loại ngũ cốc ít gây dị ứng nhất nhưng bé vẫn có nguy cơ bị dị ứng. Vì vậy, khi cho bé ăn, bạn hãy quan sát xem bé có các triệu chứng dị ứng thực phẩm như nôn mửa, sưng ở miệng, môi, lưỡi, chóng mặt, phát ban… Nếu bạn nhận thấy bé có các triệu chứng này, hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

Một số công thức chế biến gạo lứt đơn giản mà bạn có thể thử

1. Gạo lứt nấu với đậu

Chuẩn bị

  • Gạo lứt
  • Đậu xanh
  • Nước

Thực hiện

  • Vo gạo, ngâm nước khoảng 30 phút, sau đó chắt bỏ nước.
  • Cho gạo và đậu vào nồi áp suất, thêm nước và đậy nắp. Nấu cho đến khi mềm, bạn có thể thêm một ít bơ để tăng hương vị của món ăn.

2. Gạo lứt nấu với bí ngô

Chuẩn bị

  • Gạo lứt
  • Bí ngô đã bỏ vỏ và hạt
  • Nước

Thực hiện

  • Vo gạo và ngâm khoảng 30 phút.
  • Bí ngô rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó hấp chín khoảng 30 phút rồi cho vào máy xay cùng với gạo và nước.
  • Cho hỗn hợp vào nồi và đun sôi trong vài phút. Giảm lửa và nấu thêm vài phút nữa. Để nguội và cho bé dùng.

3. Gạo lứt với sữa

Chuẩn bị

  • Bột gạo lứt hoặc gạo hữu cơ
  • Nước
  • Sữa mẹ hoặc sữa công thức
  • Đường

Thực hiện

  • Đun nước sôi, thêm bột gạo lứt và khuấy đều khoảng 8 – 10 phút để tránh bị vón cục.
  • Thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức cùng với ít đường. Tắt lửa, múc ra bát và cho bé dùng.

Một số câu hỏi thường gặp

1. Có phải gạo lứt nấu lâu hơn gạo trắng không?

Nấu gạo lứt cần tốn nhiều thời gian hơn so với gạo trắng. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thời gian này bằng cách ngâm gạo qua đêm. Bạn cũng có thể sử dụng nước ngâm gạo để nấu ăn.

2. Có nên cho bé uống sữa gạo lứt không?

Nếu bé không dung nạp lactose hoặc bị dị ứng với sữa đậu nành, bạn có thể cho bé dùng sữa gạo lứt. Tuy nhiên, trước đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Với giá trị dinh dưỡng cao cùng với khả năng sử dụng linh hoạt, gạo lứt trở thành một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đảm bảo an toàn cho con, hãy đến gặp bác sĩ để hiểu thêm về loại gạo này cũng như được hướng dẫn cách thêm gạo lứt vào chế độ ăn của bé.

Theo hellobacsi.com

Share:

Bình luận về chủ đề post

On Key

Related Posts