MỤC LỤC BÀI VIẾT

Những yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay

photo1550409233594-1550409245014-crop-1550409394454723182354

Ở thời điểm hiện nay, sẽ không quá lời khi nói rằng người tiêu dùng có vô số những sự lựa chọn khi tìm mua một chiếc điện thoại thông minh.

Có tới hơn chục nhà sản xuất điện thoại tên tuổi, một vài trong số đó tung ra đến cả chục mẫu máy mới mỗi năm. Con số này còn chưa tính đến cả những sản phẩm tới từ các thương hiệu nhỏ hơn.

Mặc dù sự lựa chọn của người tiêu dùng dường như không bị hạn chế, nhưng nếu xét tới một số tính năng thiết yếu mà một chiếc điện thoại thông minh cần có, thì không phải nhà sản xuất nào cũng đáp ứng được điều này. Những tính năng này là các khía cạnh không thể thiếu trên một chiếc điện thoại thông minh tiêu chuẩn.

Một khi bạn đã xác định được những tính năng cần thiết mà chiếc máy mình mua cần có, thì lựa chọn của bạn sẽ thu hẹp chỉ còn vài mẫu điện thoại phổ biến, hoặc thậm chí là chỉ có duy nhất một chiếc đáp ứng được nhu cầu bạn đề ra. Hoặc nếu không may, có lẽ bạn sẽ phải trở về nhà tay không.

Nói như vậy có lẽ vẫn còn mơ hồ đối với đa số độc giả. Đa số người đọc bài viết này chưa có sẵn trong đầu một danh sách những thứ “cần phải có” trên một chiếc điện thoại lí tưởng của năm 2019, để không làm lãng phí túi tiền của bạn.

Nếu bạn đang rơi vào trường hợp như vậy, thì hãy thử xem qua danh sách những tính năng thiết yếu của một chiếc điện thoại thông minh theo quan điểm cá nhân của tôi nhé. Danh sách này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định cuối cùng cho mình hơn và trở thành một người mua hàng thông thái.

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 1.

Để bạn tiện theo dõi, tôi sẽ không đề cập đến những tính năng quá “thiết yếu”, chẳng hạn như kết nối Bluetooth hay Wi-Fi, có camera trước và camera sau, v.v…

Vâng, chắc chắn đó là những tính năng vô cùng cần thiết, nhưng giờ đây thật khó để có thể tìm mua một chiếc điện thoại không có những tính năng quá “cơ bản” đó! Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, các tính năng như vậy sẽ không được đề cập đến.

Bạn cũng lưu ý rằng, trong bài này, tôi không sắp xếp thứ tự tính năng nào cần thiết hơn, bởi công bằng mà nói tầm quan trọng của chúng là tương đương nhau.

Một giao diện Android “sạch”, gọn gàng, không chứa quá nhiều ứng dụng cài sẵn của nhà sản xuất (bloatware) không cần thiết

Khác với nhiều fan hâm mộ của hệ điều hành Android, tôi không thích giao diện nguyên bản của hệ điều hành Android. Tôi cảm thấy hài lòng khi thấy các nhà sản xuất tìm cách bổ sung cho trải nghiệm Android của người dùng bằng những tính năng thú vị, các thiết kế tinh tế và một số chi tiết nhỏ khác để giúp cho người dùng cảm thấy thoải mái mỗi lần cầm chiếc điện thoại của mình lên.

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 2.

Tuy nhiên, một số công ty lại tìm cách đẩy những giới hạn này đi quá xa. Rất nhiều giao diện Android tuỳ biến của các nhà sản xuất điện thoại hiện nay được tích hợp quá nhiều tính năng độc quyền và những ứng dụng cài sẵn, khiến thiết bị hoạt động nặng nề và chậm chạp hơn.

Một số nhà sản xuất thậm chí không thuê nổi một chuyên gia thiết kế tài năng, khiến cho những giao diện của họ hoặc là không đem lại công năng sử dụng hiệu quả, hoặc là trông thực sự rất xấu. Tuỳ biến một giao diện Android chưa bao giờ là dễ dàng, nó giống như việc bạn tỉ mẩn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật công phu vậy.

Theo cảm nhận riêng của tôi, chưa có giao diện Android của bất kỳ hãng nào vượt qua được OxygenOS, được cài đặt trên các mẫu điện thoại OnePlus. Đây là một giao diện đơn giản, đẹp, và mang tới nhiều tính năng quan trọng không có trong Android gốc mà không làm mọi thứ trở nên quá “lố”.

Tôi cũng khá ưng ý với giao diện mà Google đã tạo ra cho các mẫu điện thoại Pixel của mình. Bản thân nó không có quá nhiều sự khác biệt so với Android gốc, nhưng những sự tuỳ biến của Google đối với mẫu máy này tuy nhỏ song rất đáng giá.

Và cuối cùng, cần phải thừa nhận rằng một trong những gã khổng lồ trong làng Android là Samsung đã đạt được bước tiến đáng kể khi ra mắt One UI, một giao diện mới thực sự để lại rất nhiều ấn tượng thú vị.

Tôi thuộc nhóm người dùng cực kỳ ghét giao diện TouchWiz và Samsung Experience của hãng điện tử Hàn Quốc, song với One UI, có vẻ như họ đã biết làm cho mọi thứ trở nên cân bằng hơn. Tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội được trải nghiệm nó.

Hỗ trợ sạc nhanh

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 3.

Kể từ cuối năm 2017, đa số người dùng điện thoại thông minh am hiểu về công nghệ đều khao khát sở hữu một chiếc điện thoại hỗ trợ công nghệ sạc không dây. Cá nhân tôi chưa bao giờ cảm thấy cần phải mua một chiếc máy có sạc không dây, bởi tôi thường chỉ sạc điện thoại vào hai thời điểm trong ngày: một là trên tủ đầu giường khi tôi đi ngủ và hai là trên xe ô tô.

Sẽ thật vô lý nếu đặt một dock sạc không dây trong khoang xe ô tô chật chội, và tôi cũng chẳng cảm thấy có điều gì bất tiện khi bỏ ra 2 giây để cắm sạc vào ổ điện trước khi tắt đèn đi ngủ.

Điều khiến tôi thực sự quan tâm hơn nhiều so với sạc không dây là công nghệ sạc nhanh. Khi điện thoại của tôi không may bị hết pin vào một thời điểm quan trọng, tôi sẽ không muốn cắm sạc trong một vài tiếng đồng hồ một chút nào: tôi muốn cục pin của chiếc điện thoại có thể sạc đầy trong vài phút và sẵn sàng để sử dụng tiếp ngay, nếu có thể.

Đối với nhu cầu này, sạc không dây và sạc tiêu chuẩn không thể đáp ứng được, và đó là lý do tôi không bao giờ muốn mua một mẫu điện thoại không hỗ trợ sạc nhanh.

Một ngày nào đó, có lẽ công nghệ sạc không dây sẽ phát triển và trở nên thuận tiện để bước chân vào cuộc sống của tôi, đồng thời cung cấp tốc độ sạc cao như những bộ sạc qua ổ cắm điện truyền thống. Khi ngày đó đến, có thể tôi sẽ thay đổi quan điểm của mình; nhưng từ giờ đến lúc đó, tất cả những gì tôi quan tâm chỉ là tốc độ sạc pin càng nhanh càng tốt.

Cổng kết nối USB-C

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 4.

Lại nói về cổng kết nối, những ngày hoàng kim của cổng Micro-USB đã qua: đối với tôi, hoặc USB-C, hoặc là tôi sẽ không mua điện thoại nữa.

Thực lòng mà nói, những ngày này đa số các mẫu điện thoại flagship (đầu bảng) của các nhà sản xuất trong hai năm qua đều tích hợp sẵn cổng USB-C, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy số lượng máy điện thoại của năm 2018 mà vẫn đi kèm với cổng Micro-USB xưa cũ.

May mắn thay, tôi chỉ phải băn khăon về duy nhất một công ty vẫn bán những chiếc điện thoại tích hợp cổng cắm độc quyền, không tiêu chuẩn, đó chính là Apple với cổng kết nối Apple Lightning của hãng.

Nhưng cho tới khi Micro-USB hoàn toàn biến mất 100% khỏi thị trường, tôi sẽ luôn kiểm tra thật kĩ lưỡng mỗi lần đi mua smartphone để đảm bảo chỉ mua những chiếc máy có USB-C, như một sự cam kết về tốc độ sạc và tốc độ truyền dữ liệu cao.

Một lí do khác, hơi riêng tư một chút, đó là tôi vẫn đang sở hữu khá nhiều cổng chuyển USB-C mà tôi chưa muốn vứt bỏ!

Công ty sản xuất điện thoại có lịch sử cập nhật phần mềm lâu dài và tích cực

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 5.

Đây quả thực là một vấn đề lớn. Khi tôi mua một chiếc điện thoại thông minh, đó là một khoản đầu tư không nhỏ: tôi sẽ lên kế hoạch sử dụng nó trong ít nhất hai năm, hoặc thậm chí là lâu hơn.

Thực lòng mà nói, có thể tôi sẽ nâng cấp máy của mình sớm hơn thời hạn đó bởi smartphone là niềm đam mê của tôi và tôi luôn muốn mình được sở hữu những công nghệ mới nhất, song điều đó không có nghĩa là tôi sẽ “quẳng” những chiếc máy chưa đến hai năm tuổi đời vào thùng rác.

Tuy nhiên, sẽ thật vô nghĩa nếu bạn mua một chiếc máy với một khoản tiền không nhỏ và chỉ chưa đến một năm sau nhà sản xuất đã ngừng cập nhật phần mềm cho nó (hoặc thậm chí là còn không vá những lỗ hổng bảo mật)? Đó sẽ là một khoản đầu tư tồi tệ.

Một số công ty đã chứng minh sự cam kết của mình đối với khách hàng thông qua việc hỗ trợ về phần mềm cho thiết bị, trong đó nổi bật nhất là Apple, kế đến là các công ty như OnePlus, Essential, Google (dĩ nhiên), và cả Samsung (công ty đã tiến những bước dài trong thời gian gần đây).

Ở bên kia chiến tuyến, một số nhà sản xuất điện thoại có tiếng tăm khá tệ về “khoản” cập nhật phần mềm, chẳng hạn như LG, HTC vàMotorola. Tôi luôn lưu ý đến chi tiết này trước khi quyết định chọn mua một chiếc điện thoại thông minh.

Cảm biến vân tay ở mặt trước máy

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 6.

Đây có lẽ sẽ là tính năng nhận được nhiều tranh luận nhất từ các độc giả. Cuộc tranh cãi về vị trí đặt cảm biến vân tay đã luôn “nóng” trong thời gian qua trên các diễn đàn mạng. Bên nào cũng có những lí lẽ nhằm chứng minh tính vượt trội và sự tiện lợi của mình.

Đối với cá nhân tôi, đặt cảm biến vân tay ở mặt trước màn hình là sự lựa chọn hợp lý và mang lại nhiều lợi ích hơn.

Trong suốt một thời gian dài, tôi đã sử dụng OnePlus 5 làm chiếc điện thoại chính của mình, và chiếc máy này có tích hợp cảm biến vân tay ở mặt trước màn hình. Sau đó một thời gian, tôi chuyển sang sử dụng Google Pixel 2 XL và rồi đến OnePlus 6, cả hai máy này đều được trang bị cảm biến vân tay ở mặt sau.

Đối với hai mẫu máy này, tôi thường xuyên cảm thấy bất tiện khi phải cầm điện thoại lên khỏi mặt bàn để mở khoá rồi mới sử dụng được.

Khi tôi mua chiếc điện thoại OnePlus 6T được tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình, trải nghiệm trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn. Cuối cùng thì cái cảm biến ấy cũng nằm ở đúng chỗ của nó, và tôi không bao giờ phải nhấc chiếc máy khỏi mặt bàn để mở khoá nó nữa!

Giờ đây, tôi biết tôi sẽ không thể quay lại sử dụng những chiếc máy đặt cảm biến vân tay ở mặt sau thiết bị được nữa. Trừ phi có một hệ thống bảo mật sinh trắc học mới vượt trội hơn so với cảm biến vân tay, còn lại thì tôi sẽ chỉ mua những điện thoại có tích hợp cảm biến này ở mặt trước máy.

Đó có thể là cảm biến vật lý thông thường hoặc loại cảm biến tích hợp bên dưới màn hình cũng được, nhưng nhất định phải ở mặt trước!

Chip NFC

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 7.

Tôi rất thích sử dụng ứng dụng thanh toán Google Pay. Mười lần xếp hàng chờ thanh toán ở các cửa hàng thì có tới chín lần tôi cầm chặt chiếc điện thoại trong tay. Khi đến lượt mình, tại sao tôi phải cất điện thoại đi để lấy ví ra? Thanh toán bằng điện thoại dễ dàng hơn rất nhiều.

Cứ như vậy, tôi sẽ không thể mua những chiếc điện thoại mà thiếu đi chip hỗ trợ chuẩn giao tiếp trong khoảng cách gần (NFC) nhằm hỗ trợ các giao dịch thanh toán “không chạm” đó.

Cần thừa nhận rằng, tôi chưa bao giờ sử dụng NFC để thiết lập các thiết bị ngoại vi, như bộ định tuyến (router) chẳng hạn. Nhưng biết đâu, trong tương lai tôi sẽ thay đổi ý định?

Vậy nên, đối với tôi, chip NFC là một bộ phận không thể thiếu của bất kì chiếc điện thoại Android nào, ít nhất là theo tôi biết thì để phục vụ cho tính năng thanh toán qua Google Pay vô cùng thuận tiện.

Mức giá hợp lý

Với tôi, đây là 7 yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua smartphone hiện nay - Ảnh 8.

Tôi để yếu tố này lại cuối cùng trong danh sách bởi trong số bảy “tính năng” thiết yếu của những chiếc smartphone, thì giá là yếu tố bất định nhất. Tôi nói “hợp lí” không đồng nghĩa với “rẻ”. Rõ ràng, tôi sẽ tìm cách tiết kiệm càng nhiều càng tốt – nhưng tôi không ham rẻ. Tôi sẽ đòi hỏi chiếc điện thoại của mình phải có đủ các tính năng mà tôi mong muốn.

Từ danh sách 7 tính năng tôi mong muốn ở trên, có thể thấy tôi có khá nhiều lựa chọn khi mua điện thoại. Chiếc máy tôi đang sử dụng ở thời điểm hiện tại, chiếc OnePlus 6T, đáp ứng mọi yêu cầu trong bài viết này và chỉ có giá khởi điểm từ 549 USD cho bản cấu hình thấp nhất.

Tuy vậy, cũng với những yêu cầu đó, tôi có thể dễ dàng chọn mua một chiếc Google Pixel 3, bắt đầu từ 799 USD. Hoặc thậm chí tôi có thể chịu chơi và bỏ ra 1000 USD để sở hữu flagship nhà Sámusng, chiếc Samsung Galaxy Note 9.

Sau tất cả, nếu tôi cảm thấy bỏ ra 1000 USD để mua một chiếc điện thoại thông minh là một mức giá hợp lí, thì tôi sẽ sẵn sàng chi tiền. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, Galaxy Note 9 và Google Pixel 3 là hai sản phẩm có mức giá bị thổi phồng.

Các tính năng mà hai chiếc máy đó sở hữu không xứng đáng với mức giá cao như vậy, nhất là trong bối cảnh chiếc OnePlus 6T có đủ các tính năng mà tôi cần.

Trong tương lai, có thể sẽ có những chiếc điện thoại thông minh với mức giá rất đắt nhưng được tích hợp đủ các công nghệ và tính năng xứng đáng với mức giá của mình. Nếu điều đó trở thành sự thật, và nó có đủ 6 yêu cầu mà tôi liệt kê trong bài viết này, thì tôi sẽ mua nó. Miễn là nó có mức giá “hợp lý”.

Bài viết này phản ánh quan điểm cá nhân của cây bút C. Scott Brown đến từ chuyên trang Android Authority. VnReview chuyển ngữ và đăng tải tới bạn đọc.

theo Vnreview

Share:

Bình luận về chủ đề post

On Key

Related Posts