Ngày nay, việc người lao động hoặc bên sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái với quy định của pháp luật là điều không hề hiếm gặp. Vì vậy, pháp luật đã quy định rất rõ ràng về mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy quy định chi tiết như thế nào? Mời bạn tham khảo thông tin liên quan trong bài viết sau đây.
Mục lục
ToggleI. Tổng quan về hợp đồng lao động – Hợp đồng lao động là gì
Theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2012, khái niệm của hợp đồng lao động được quy định như sau:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trong thời đại hội nhập hiện nay, nhu cầu làm việc của lực lượng lao động ngày càng đa dạng. Để đáp ứng điều đó, Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng đáng kể phạm vi áp dụng bằng cách điều chỉnh định nghĩa về người lao động, khái niệm hợp đồng lao động và bổ sung thêm góc nhìn mới về người làm việc không có quan hệ lao động.
Những thay đổi này được xem là tác động rõ rệt đến nhiều cá nhân, bao gồm cả những người lao động tự do (tự làm kinh doanh, không làm việc dưới hợp đồng ràng buộc, không hưởng lương cố định, không tham gia BHXH bắt buộc).
So với quy định hợp đồng lao động như trên của Bộ Luật Lao Động 2012, Bộ Luật Lao Động 2019 đã bổ sung một số yếu tố cần thiết vào khái niệm hợp đồng lao động để miêu tả chính xác đặc trưng của loại hợp đồng này. Cụ thể, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Thêm vào đó, Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 cũng đã quy định trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác (ví dụ như Hợp đồng cộng tác viên…) nhưng đáp ứng 02 điều kiện sau thì được xác định là hợp đồng lao động:
– Có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương.
– Có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
II. Đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì?
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trường hợp một bên trong quan hệ lao động muốn chấm dứt quan hệ lao động mà không cần sự thỏa thuận hoặc đồng ý với bên còn lại theo quy định của pháp luật.
Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng với quy định pháp luật, việc phát sinh vấn đề bồi thường thiệt hại là không tránh khỏi.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động hoặc người sử dụng lao động cần báo trước 1 khoảng thời gian nhất định. Thời gian báo trước theo quy định tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động mà 2 bên đã ký kết:
Loại hợp đồng lao động | Thời gian báo trước tối thiểu |
HĐLĐ không xác định thời gian | 45 ngày |
HĐLĐ có thời hạn từ 12-36 tháng | 30 ngày |
HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng | 3 ngày làm việc |
Lưu ý: không cần báo trước khi chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc. Với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. |
III. Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động đơn phương trái luật
Đối với người lao động
Căn cứ vào Điều 40 Bộ luật lao động 2019, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật:
Người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc ngay khi đáp ứng điều kiện đi làm đủ thường xuyên từ 12 tháng trở lên.
Người lao động cũng phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp người lao động vi phạm về thời gian báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động cho những ngày không báo trước.
Trường hợp việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm vi phạm hợp đồng đào tạo nghề đã ký kết trước đó, người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại chi phí đào tạo đó theo quy định pháp luật.
Đối với người sử dụng lao động
Căn cứ vào Điều 41 Bộ luật lao động 2019, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật:
– Phải nhận người lao động đi làm trở lại theo hợp đồng lao động đã ký kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng lương theo hợp đồng lao động.
– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
– Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động để chấm dứt hợp động.
– Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người lao động phải trả và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
IV Kết luận
Pháp luật quy định rõ ràng về mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định. Người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định được pháp luật ban hành để bảo vệ quyền lợi của chính mình, cũng như tránh những mâu thuẫn, mất mát không đáng có.
Thông tin trong bài viết có độ chính xác và tin cậy cao, đã được kiểm chứng bởi Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Luật sư Nguyễn Xuân Nhất tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.
Tham khảo thêm các bài viết về nghiệp vụ pháp lý và các loại hợp đồng tại MISA AMIS.
Bình luận về chủ đề post