MỤC LỤC BÀI VIẾT

Lãng phí điện mặt trời

a20t5

Việc không đưa ra bất cứ quyết định nào về cơ chế giá cho một số dự án điện mặt trời hoàn thành trong năm 2020 nhưng vượt ngoài mốc 2.000 MW được hưởng giá 9,35 UScents/kWh tại Ninh Thuận là minh chứng rõ nhất về sự ì trệ, thiếu đồng bộ trong giải quyết công việc hiện nay.

EVN đề nghị huy động theo giá thị trường với các dự án điện mặt trời chưa có giá để không lãng phí nguồn lực đã được đầu tư.

Gần 2 năm không có chính sách

Trong ngày cuối cùng của tháng 8 và đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Nguyên do là ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN đã phát thông báo dừng huy động công suất phát 172 MW trong dự án 450 MW này từ ngày 1/9/2022 bởi chưa có giá. Không phải chỉ có Trungnam Group, mà các nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 của Tập đoàn T&T cũng nhận được thông báo tương tự.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà máy điện mặt trời được hoàn thành trong năm 2020 nhưng nằm ngoài phạm vi 2.000 MW được hưởng mức giá 9,35 UScents/kWh tại tỉnh Ninh Thuận nhận được thông báo dừng huy động. Nhưng trên thực tế, việc huy động vẫn tiếp tục dù việc thanh toán tiền điện chưa diễn ra bởi không có giá.

Tuy nhiên, lần này, mọi chuyện đã khác. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, ngay sau thông báo ngày 31/8/2022, kể từ ngày 1/9/2022, việc dừng huy động các phần công suất chưa có giá điện tại Nhà máy Trung Nam Thuận Nam 450 MW và Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 đã được thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một đại diện từ EVN cho hay, doanh nghiệp được “nhắc nhở” làm đúng trong huy động với các dự án điện chưa có giá.

Trước đó, ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 17/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành có liên quan đến câu chuyện này. Theo đó, về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phần phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Được biết, Bộ Công thương đã có Văn bản 128/BC-BCT ngày 21/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, Bộ này đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ ban hành.

Phía EVN cũng đề nghị huy động theo giá thị trường với các dự án chưa có giá để không lãng phí nguồn lực đã được đầu tư. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, đây được xem là giải pháp tình thế nhưng hợp lý trong lúc này.

Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, khiến các dự án năng lượng mặt trời đã đầu tư xong như Trung Nam Thuận Nam hay Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 phải dừng huy động với phần chưa có giá.

Lãng phí nguồn lực

Việc không có các chính sách nối tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang như điện mặt trời tại Ninh Thuận vượt ngoài công suất 2.000 MW nhưng đầu tư xong trong năm 2020, các dự án điện mặt trời khác từ tháng 1/2021, dự án điện gió từ tháng 11/2021 nói riêng, hay chính sách tổng thể để phát triển hệ thống điện nói chung hiện nay cho thấy sự bất cập, lúng túng từ phía các cơ quan chức năng.

Ở thời điểm khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, nhiều dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu tại Việt Nam có giá lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh. Như vậy, dù điện mặt trời và điện gió không thể chạy với thời gian ổn định và dài như điện than, nhưng mức giá khoảng 2.500 – 2.800 đồng/kWh hiện nay của điện mặt trời vẫn rẻ hơn và góp phần tiếp sức cho hệ thống điện đang phải đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định mà tiếp tục không được tăng giá bán lẻ bình quân đã có từ năm 2019.

Trên thực tế, hệ thống điện đã phải đối mặt với chuyện cắt giảm điện tại một số thời điểm trong năm 2021-2022. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) cho hay, điều này cho thấy hệ thống đã thiếu điện. Thực tế này nếu không được khắc phục sớm bằng việc đưa ra các chính sách kịp thời để đầu tư nguồn điện mới, thì điện không thể đáp ứng được mục tiêu đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách an toàn, ổn định.

“Cái giá phải trả cho thiếu điện vì thiếu các chính sách kịp thời sẽ rất lớn và nền kinh tế là nơi phải gánh chịu thiệt hại này”, ông Nê nhận xét.

Nguồn: https://baodautu.vn/lang-phi-dien-mat-troi-d172924.html

Share:

Bình luận về chủ đề post

On Key

Related Posts