Máy ép chậm là thiết bị gia dụng quen thuộc với nhiều người dùng bởi khả năng tạo ra những ly nước ép thành phẩm thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, máy ép chậm của bạn có thể gặp tình trạng tắc nghẽn, kẹt nguyên liệu, ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng nước ép thành phẩm. Bài viết dưới đây chia sẻ cách sử dụng máy ép chậm để tránh kẹt bã. Mời bạn cùng theo dõi!
Mục lục
Toggle1. Cắt nhỏ nguyên liệu trước khi ép
Tốc độ quay chậm chỉ khoảng 45 – 80 vòng/phút khiến máy ép chậm khó có thể xử lý các loại nguyên liệu quá to hay quá cứng. Do đó, trước khi tiến hành ép, bạn đừng quên sơ chế, cắt nhỏ nguyên liệu để hạn chế sự cố kẹt bã trong quá trình sử dụng.
Đối với các loại rau củ quả cứng, nhiều xơ như cà rốt, táo, lê,… Bạn nên cắt thành các miếng nhỏ vừa miệng ống tiếp nguyên liệu, rồi từ từ thả vào ống tiếp nguyên liệu. Các loại rau lá xanh như cần tây, cải bó xôi,… Có xơ bã dài nên được cắt ngắn thành các đoạn ngắn 1 – 3 cm hoặc cuộn tròn lại trước khi ép.
Cắt nhỏ các nguyên liệu thành miếng vừa miệng máy giúp hạn chế tình trạng kẹt xơ bã
2. Ép rau củ quả theo thứ tự: Mềm trước, cứng sau
Tuy có thể xử lý nhiều loại nguyên liệu từ mềm, mọng nước như cà chua, dưa hấu,… Đến cứng, nhiều xơ như cần tây, cà rốt,…, tình trạng máy ép chậm bị kẹt nắp vẫn có thể xảy ra nếu liên tục phải xử lý các loại rau củ quá cứng.
Trước khi ép, bạn cần xác định độ cứng, mềm, nhiều xơ, ít xơ của rau củ quả. Sau đó, bắt đầu quá trình ép bằng trái cây mềm, mọng nước, rồi đến các nguyên liệu cứng, ít nước. Khi đó, nước của trái cây mềm ở trước có thể làm ẩm bã của nguyên liệu cứng, giúp bã đi ra dễ dàng hơn.
Căn cứ vào mức độ xơ của nguyên liệu, bạn nên thực hiện ép thứ tự nhiều xơ trước, ít xơ sau. Do rau lá nhiều xơ dễ gây tích tụ xơ bã trong các khe và lưới lọc của thiết bị, ép rau ít xơ sau có thể giúp làm sạch các xơ còn sót lại, giảm lượng bã tích tụ và dễ dàng vệ sinh máy hơn.
Ép rau củ quả theo thứ tự mềm trước, cứng sau giúp hạn chế tình trạng kẹt bã
3. Bỏ hạt cứng
Máy ép chậm hoạt động dựa trên cơ chế ép của trục xoắn. Các hạt cứng của trái cây như cóc, mận, ổi,… Không dễ nghiền nát, khi được đưa vào ống tiếp có thể bị kẹt lại ở trục ép hoặc màng lọc gây bít tắc trong quá trình ép.
Ngoài ra, hạt cứng còn có thể ảnh hưởng đến hương vị của nước ép thành phẩm. Một số loại hạt còn chứa các chất amygdalin, cyanogenic glycosides,… Có thể chuyển hoá thành cyanide gây độc cho cơ thể. Vì vậy, trước khi ép, bạn đừng quên kiểm tra kỹ để đảm bảo nguyên liệu không còn lẫn hạt cứng rồi mới đưa vào máy ép nhé.
Không bỏ hạt trước khi ép có thể khiến máy ép chậm bị kẹt, ảnh hưởng đến công suất và tuổi thọ của máy
4. Đưa từ từ nguyên liệu vào máy
So với máy ép nhanh thông thường, máy ép chậm có tốc độ ép nước chậm hơn nhiều lần nên việc đưa liên tục nguyên liệu vào ống tiếp trong một thời gian ngắn có thể khiến máy quá tải và gây ra hiện tượng kẹt bã. Khi ép, bạn nên đưa từ từ rau củ quả vào theo thứ tự được khuyến khích ở trên, đảm bảo máy có thời gian ép xong phần nguyên liệu cũ trước khi tiếp thêm phần nguyên liệu mới.
Đối với các mẫu máy ép chậm trục đứng, sau khi thả nguyên liệu và ống tiếp, bạn nên để chúng tự đi xuống thay vì dùng thanh ấn thúc ép quá trình xử lý diễn ra nhanh hơn. Thói quen dùng thanh ấn đẩy liên tục rau củ, trái cây có thể khiến máy ép không kịp xử lý nguyên liệu, gây ra kẹt xơ, bã.
Đối với các mẫu máy ép chậm trục ngang, do rau củ quả không thể tự đi xuống cối ép nên cần đến sự hỗ trợ của thanh đẩy.
Ngoài ra, hai loại máy ép chậm này còn có rất nhiều điểm lưu ý khác nhau trong cấu tạo và quá trình sử dụng. Tuỳ thuộc vào thói quen, nhu cầu của gia đình bạn mà quyết định nên mua máy ép chậm trục ngang hay đứng.
Đảm bảo máy có thời gian xử lý xong nguyên liệu cũ trước khi tiếp thêm nguyên liệu mới vào máy
Như vậy, bài viết vừa cung cấp các cách sử dụng máy ép chậm để tránh kẹt bã. Hy vọng những chia sẻ hữu ích trên có thể giúp bạn sử dụng máy ép chậm đúng cách để duy trì độ bền, tuổi thọ của thiết bị, cũng như mang đến cho bạn và gia đình những ly nước ép thành phẩm chất lượng.
Bình luận về chủ đề post