Để máy giặt hoạt động bền bỉ, tăng hiệu quả giặt giũ và giảm chi phí sửa chữa, bạn hãy bỏ túi ngay các mẹo đơn giản, hữu ích sau.
Máy giặt là một thiết bị điện lạnh đã rất quen thuộc đối với các gia đình hiện nay. Tuy nhiên, sử dụng máy giặt sao cho đúng cách, hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ với bạn một số mẹo, hướng dẫn đơn giản, hữu ích để giúp tiết kiệm chi phí và tăng tuổi thọ cho máy giặt. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
Toggle1. Không giặt quá khối lượng cho phép
Nếu giặt nhiều hơn khối lượng cho phép, máy sẽ bị quá tải và xảy ra các hiện tượng như kêu to, giảm khả năng làm sạch, ảnh hưởng tới trục động cơ, thậm chí dừng hoạt động. Trong một số trường hợp, áo quần còn có thể rơi ra khỏi lồng giặt và mắc kẹt vào khe hở giữa lồng giặt và khung máy.
Do đó, để đảm bảo hiệu quả giặt giũ và tăng tuổi thọ cho máy, bạn nên giặt quần áo với khối lượng vừa phải, khoảng từ 70 – 80% khối lượng giặt ghi trên hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ, nếu máy giặt cho phép giặt tối đa 8kg (đồ khô) thì tốt nhất bạn chỉ nên bỏ khoảng 5,5 – 6,5 kg/lần giặt.
Không giặt quá nhiều đồ vì sẽ khiến quần áo không sạch và có thể gây hư hỏng cho máy giặt
2. Nên dùng nước giặt
Theo các kỹ sư điện lạnh thì bạn nên sử dụng nước giặt cho máy giặt vì những nguyên nhân sau:
Tăng hiệu quả giặt giũ
Nước giặt dễ hòa tan hơn so với bột giặt nên có thể thẩm thấu vào sợi vải tốt hơn, giúp làm mềm quần áo và đánh bay vết bẩn hiệu quả. Trong khi đó, bột giặt khó hòa tan nên thường để lại cặn xà phòng trên quần áo và có thể khiến sợi vải bị khô cứng sau khi giặt.
Giúp máy giặt hoạt động bền bỉ hơn
Nước giặt tạo ra ít bọt hơn so với bột giặt. Vì vậy, dùng nước giặt sẽ giúp hạn chế việc bọt xà phòng bị tràn ra ngoài, gây hư hỏng các vi mạch điện tử của máy.
Ngoài ra, nếu sử dụng nước giặt, máy sẽ không cần phải làm việc “cật lực” để đánh tan hết bọt xà phòng như khi dùng bột giặt. Do đó, máy sẽ hoạt động bền bỉ và ít bị hư hỏng hơn.
☞ Xem thêm: Top 10 dịch vụ sửa máy giặt tại Đà Nẵng
3. Không đặt máy giặt ở nơi ẩm ướt
Máy giặt là thiết bị điện với nhiều linh kiện và vi mạch. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn không nên để máy giặt ở những nơi ẩm ướt.
Ngoài nguy cơ gây chập cháy điện, môi trường ẩm ướt còn có thể làm cho một số chức năng điện tử của máy bị tê liệt, gây khó khăn khi giặt giũ. Hơn nữa, độ ẩm cao cũng là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi trong lồng giặt. Điều này sẽ khiến cho quá trình giặt giũ trở nên kém hiệu quả hơn.
Cần đặt máy giặt ở nơi khô ráo, thoáng mát
Sau đây là một vài lưu ý dành cho bạn khi chọn vị trí lắp đặt máy giặt:
- Đặt máy ở nơi khô thoáng, cách xa các thiết bị vòi hoa sen, vòi xịt,…
- Bố trí ổ điện và dây cắm ở vị trí cao, cách xa nguồn nước, sàn nhà
- Đặt máy trên giá đỡ cao, chắc chắn, có chân bọc cao su để cách ly máy giặt với mặt sàn (nếu sàn bị ướt cũng đảm bảo an toàn).
- Dùng áo trùm che chắn cho máy giặt khi không hoạt động để đề phòng nước bắn vào.
4. Đảm bảo nguồn nước đủ mạnh
Trong quá trình máy giặt hoạt động, bạn cần chú ý kiểm tra xem nguồn cấp nước có ổn định, đủ nhanh và mạnh hay không. Nếu nguồn cấp nước quá yếu thì sẽ làm giảm hiệu quả làm sạch, khiến thời gian giặt của máy bị kéo dài và gây lãng phí điện. Mặt khác, nếu tình trạng nước cấp không ổn định kéo dài thì có thể khiến máy phải khởi động lại nhiều lần và không thể giặt sạch hoặc vắt khô hoàn toàn quần áo.
Do đó, khi thấy nguồn cấp nước có vấn đề, bạn có thể dùng bơm tăng áp để tăng áp suất nước vào máy giặt. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra ống dẫn nước xem có bị tắc nghẽn, bám cặn không. Nếu có thì cần tiến hành vệ sinh và thông ống để nước chảy mạnh hơn.
5. Đảm bảo lồng giặt, ống thoát nước kín
Khi hoạt động, máy giặt sẽ phát sinh nhiệt lượng nên có thể trở thành môi trường ấm áp, thu hút chuột, bọ, gián sinh sôi. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: gây mầm bệnh và mùi hôi khó chịu cho đồ giặt, chuột cắn đứt dây điện, gián/bọ làm đứt bản mạch,…
Để ngăn chặn sự phá hoại của những con vật nhỏ như chuột, bọ, gián,… nhà sản xuất đã trang bị tấm bọc đáy (hay còn gọi là tấm chắn chuột) cho máy giặt. Thỉnh thoảng, bạn nên kiểm tra dưới gầm máy để đảm bảo tấm chắn này được cố định chắc chắn. Ngoài ra, cũng cần đặt thêm lưới ở vị trí tiếp xúc giữa ống xả và lỗ thoát nước. Như vậy sẽ ngăn chặn được việc chuột, gián chui vào máy giặt qua đường ống xả.
6. Vệ sinh máy giặt định kỳ
Máy giặt sau một thời gian sử dụng sẽ bị đóng cặn, phèn, vi khuẩn gây mùi,… Không những vậy, nếu không được làm sạch định kỳ, rong rêu, đất bẩn sẽ bám vào các van dẫn, van xả của máy, khiến nước không cấp đủ, gây lãng phí điện và giảm hiệu quả giặt giũ.
Do đó, bạn cần vệ sinh lồng giặt và ống xả định kỳ 3 tháng 1 lần để áo quần giặt sạch hơn và tăng tuổi thọ cho máy. Ngoài ra, việc vệ sinh máy giặt cũng giúp bạn phát hiện kịp thời các lỗi tiềm ẩn để có cách khắc phục phù hợp.
Nên vệ sinh máy giặt định kỳ 3 tháng/lần
Cách vệ sinh lồng giặt đơn giản nhất là sử dụng các sản phẩm vệ sinh lồng giặt như Hando, Sandokkaebi,… Hoặc nếu muốn máy được vệ sinh kỹ lưỡng hơn, bạn có thể gọi thợ sửa máy giặt chuyên nghiệp. Ngoài các công tác vệ sinh, nhân viên kỹ thuật còn có thể giúp bạn kiểm tra tình trạng hoạt động của máy giặt nếu được yêu cầu.
Trên đây là các mẹo nhỏ để giúp máy giặt hoạt động bền bỉ, hiệu quả hơn. Hy vọng với những chia sẻ trên, công việc giặt giũ của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng và tiết kiệm chi phí hơn.
Nguồn tham khảo: https://dichvuphuocthai.com
Bình luận về chủ đề post