Âm nhạc là một sáng tạo kỳ diệu của con người nhưng liệu bạn có biết âm nhạc đã tác động đến cảm xúc của chúng ta như thế nào?
Âm nhạc ảnh hưởng thế nào đến não bộ và cảm xúc
Âm nhạc là một hiện tượng phổ biến vượt qua mọi biên giới quốc gia, chủng tộc và văn hóa, trở thành một công cụ kích thích cảm xúc và cảm giác mà bất cứ ai cũng có thể lĩnh hội được. Âm nhạc mạnh mẽ hơn nhiều so với ngôn ngữ. Sự hứng thú gia tăng khi não bộ xử lý âm nhạc chính là cách khiến nó trở thành “ngôn ngữ của cảm xúc”. Dù là thông qua phim ảnh, các buổi hòa nhạc, các buổi biểu diễn hay một bộ âm thanh đơn giản trong phạm vi gia đình, âm nhạc có thể khơi gợi và mang tính áp đảo đến nỗi ta chỉ có thể mô tả nó là một phạm trù nằm giữa hiện tượng và tưởng tượng.
Nhưng chính xác thì tại sao trải nghiệm của âm nhạc lại có sức ảnh hưởng hơn cả những trải nghiệm từ các phương tiện khác? Và làm thế nào nó có thể gợi lên cảm xúc trong con người theo một cách khác biệt với bất kỳ yếu tố nào khác?
Âm nhạc có thể được coi như là một loại ảo ảnh nhận thức, cũng giống như cách mà ta lĩnh hội một hình ảnh chắp vá. Bộ não sử dụng cấu trúc và trật tự của chuỗi âm thanh để tạo ra một hệ thống có ý nghĩa hoàn toàn mới. Khả năng tiếp thu âm nhạc của não bộ gắn liền với khả năng xử lý cấu trúc cơ bản. Theo đó, chúng ta sẽ có khả năng suy đoán phần tiếp theo trong bài hát. Tuy nhiên, cấu trúc này cũng nhất thiết phải có yếu tố bất ngờ, tức những đoạn nhạc mà người nghe không thể đoán trước được, bởi nếu quá dễ đoán, chúng sẽ trở thành những âm thanh thiếu cảm xúc.
Các nhà soạn nhạc giỏi có khả năng “thao túng” cảm xúc trong một bài hát bằng cách biết trước được mong đợi của người nghe và kiểm soát khi nào những mong đợi đó sẽ được hoặc không được đáp ứng. Sự thành công của thao tác này là điều gợi lên sự “thăng hoa trong cảm xúc” – một phần không thể thiếu của bất cứ bài hát cảm động nào.
Mặc dù dường như có các tính năng tương tự như ngôn ngữ, nhưng âm nhạc thực ra lại khởi nguồn từ những cấu trúc não sơ khai có liên quan đến động lực, phần thưởng và cảm xúc. Dù là những nốt quen thuộc đầu tiên trong Yellow Submarine của The Beatles hay phần beat dạo đầu trong Back in Black của AC/DC, thì não bộ đều đồng bộ các dao động thần kinh với xung âm nhạc (thông qua kích hoạt tiểu não) và bắt đầu dự đoán xem khi nào phần beat sẽ trở nên cao trào hoặc mạnh mẽ hơn. Phản ứng này chủ yếu là trong vô thức. Tiểu não và amidan sẽ bắt đầu xử lý chúng trước cả thùy trán.
Âm nhạc còn cho phép chúng ta căn chỉnh thời gian. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng âm nhạc không mang tính đe dọa. Vì thế, khi tiếng nhạc vang lên, các thùy trán sẽ xác định rằng chúng mang đến một nguồn cảm xúc vui vẻ. Sự kỳ vọng này tạo nên những dự đoán khi nghe nhạc và cuối cùng dẫn đến phản ứng tự khen thưởng bản thân.
Hơn bất kỳ loại kích thích nào khác, âm nhạc có khả năng gợi lên hình ảnh và cảm xúc mà không nhất thiết phải được phản ánh trực tiếp trong bộ nhớ – chính là “cảm giác kèm”. Đó là lý do vì sao dù nghe nhiều lần, âm nhạc vẫn có một mức độ bí ẩn nhất định, kích thích chúng ta tiếp tục nghe thêm. Lý do cho sức hấp dẫn của âm nhạc gắn liền với các lý thuyết khác nhau về loại “cảm giác kèm” này.
Khi mới được sinh ra, não bộ của chúng ta vẫn chưa được phân thành các khu vực của các giác quan khác nhau. Sự phân loại này xảy ra trễ hơn, theo quá trình phát triển của con người. Vì vậy, theo góc nhìn của các em bé, chúng ta giả thiết rằng thế giới là một sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh và cảm xúc. Tất cả được kết hợp thành một trải nghiệm – chính là cảm giác kèm cuối cùng. Sau đó, khi não của chúng ta phát triển, một số khu vực trở nên chuyên về thị giác, thính giác hay khả năng ngôn ngữ.
Giáo sư Daniel Levitin, một nhà thần kinh học kiêm nhà soạn nhạc, đã làm sáng tỏ bí ẩn của cảm xúc trong âm nhạc bằng việc giải thích cách các trung tâm cảm xúc, ngôn ngữ và trí nhớ của não kết nối với nhau trong quá trình xử lý âm nhạc nhằm mang lại sự trải nghiệm tổng hợp.
Mức độ liên kết này dường như có sự khác biệt giữa các cá nhân. Vì thế, chỉ một số nghệ sĩ có thể tạo ra những bản nhạc mang đầy chất lượng cảm xúc trong khi số khác thì không. Mỗi người đều có sự ưa thích đối với một số loại nhạc nhất định và điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ. Và tùy thuộc vào mức độ trải nghiệm, một số người và nhạc sĩ có khả năng tưởng tượng và tạo ra âm nhạc mà người khác không thể tưởng tượng ra. Giống như họa sĩ, các nhà soạn nhạc vẽ ra hình ảnh âm thanh của riêng họ. Điều này giải thích tại sao khả năng cảm thụ âm nhạc không chỉ là năng khiếu bẩm sinh mà còn là loại năng khiêu được hình thành qua thời gian.
Theo elle.vn
Bình luận về chủ đề post